/Video/Thuốc chống trầm cảm hoạt động như thế nào?

Thuốc chống trầm cảm hoạt động như thế nào?

Vào những năm 1950, sự ra đời của hai loại thuốc mới đã mở ra một thị trường trị giá hàng tỷ đô la cho thuốc chống trầm cảm. Thực tế, cả hai loại thuốc này không được thiết kế để điều trị trầm cảm, và lúc đó, nhiều bác sĩ và nhà khoa học tin rằng liệu pháp tâm lý là cách duy nhất để điều trị trầm cảm.

Những loại thuốc chống trầm cảm đầu tiên

Chuyến hành trình khám phá kéo dài hàng thập kỷ sau đó đã làm thay đổi hoàn toàn cách chúng ta hiểu về trầm cảm, đồng thời nêu lên những câu hỏi mà trước đây chưa từng được xem xét. Một trong hai loại thuốc chống trầm cảm đầu tiên là iproniazid, ban đầu được sử dụng để điều trị lao. Trong một thử nghiệm vào năm 1952, loại thuốc này không chỉ điều trị lao mà còn cải thiện tâm trạng của những bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc trầm cảm. Vào năm 1956, một bác sĩ người Thụy Sĩ đã quan sát thấy tác dụng tương tự khi thử nghiệm imipramine, một loại thuốc dùng cho các phản ứng dị ứng.

Cả hai loại thuốc này đều ảnh hưởng đến một nhóm chất dẫn truyền thần kinh gọi là monoamine. Khám phá này đã mở ra lý thuyết mất cân bằng hóa học, giả thuyết cho rằng trầm cảm là do sự thiếu hụt monoamine trong các synapse của não. Các thuốc như iproniazid, imipramine và các loại thuốc tương tự được cho là sẽ khôi phục lại sự cân bằng này bằng cách tăng sự sẵn có của monoamine trong não.

Tuy nhiên, những loại thuốc này nhắm đến nhiều loại monoamine khác nhau, mỗi loại tác động lên một loạt các thụ thể trong não, điều này dẫn đến nhiều tác dụng phụ, bao gồm đau đầu, mệt mỏi và suy giảm nhận thức như khó khăn trong trí nhớ, suy nghĩ và đánh giá.

Hy vọng mới về thuốc chống trầm cảm

Với hy vọng làm cho thuốc nhắm mục tiêu chính xác hơn và giảm bớt tác dụng phụ, các nhà khoa học bắt đầu nghiên cứu các thuốc chống trầm cảm hiện có để tìm ra các monoamine cụ thể có liên quan đến sự cải thiện trong điều trị trầm cảm. Vào những năm 1970, nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra một kết luận chung: các thuốc chống trầm cảm hiệu quả nhất đều tác động lên một monoamine đặc biệt, đó là serotonin.

Phát hiện này dẫn đến việc sản xuất fluoxetine, hay còn gọi là Prozac, vào năm 1988. Đây là loại thuốc đầu tiên thuộc nhóm thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI), giúp ngừng tái hấp thu serotonin, làm cho serotonin có sẵn nhiều hơn trong não. Prozac không chỉ hiệu quả mà còn có ít tác dụng phụ hơn so với các loại thuốc chống trầm cảm cũ.

Các nhà sản xuất Prozac còn nỗ lực quảng bá thuốc bằng cách nâng cao nhận thức về nguy hiểm của trầm cảm đối với cộng đồng và giới y tế. Nhờ đó, nhiều người đã nhận ra rằng trầm cảm là một bệnh lý do các cơ chế vượt ngoài tầm kiểm soát của một cá nhân, giúp giảm bớt sự đổ lỗi và kỳ thị liên quan đến bệnh này, khiến nhiều người tìm kiếm sự giúp đỡ hơn.

Vào những năm 1990, số người được điều trị trầm cảm đã tăng vọt. Liệu pháp tâm lý và các phương pháp điều trị khác đã bị lãng quên, và hầu hết mọi người chỉ được điều trị bằng thuốc chống trầm cảm. Tuy nhiên, kể từ đó, chúng ta đã có cái nhìn thấu đáo hơn về cách điều trị trầm cảm và nguyên nhân gây ra nó.

Không phải ai mắc trầm cảm cũng phản ứng với SSRI như Prozac – một số người đáp ứng tốt hơn với các loại thuốc tác động lên các chất dẫn truyền thần kinh khác, hoặc thậm chí không phản ứng với thuốc. Đối với nhiều người, sự kết hợp giữa liệu pháp tâm lý và thuốc chống trầm cảm mang lại hiệu quả tốt hơn so với chỉ sử dụng một trong hai phương pháp.

Mặc dù thuốc chống trầm cảm thay đổi mức độ monoamine chỉ sau vài giờ sử dụng, nhưng bệnh nhân thường không cảm thấy lợi ích cho đến vài tuần sau. Và sau khi ngừng thuốc, một số bệnh nhân sẽ không bao giờ trải qua trầm cảm nữa, trong khi một số người khác lại tái phát.

Hiện nay, chúng ta nhận thức được rằng không biết chính xác nguyên nhân gây ra trầm cảm, hoặc vì sao thuốc chống trầm cảm lại có tác dụng. Lý thuyết mất cân bằng hóa học chỉ là một lời giải thích không đầy đủ. Việc tất cả các thuốc chống trầm cảm đều tác động lên serotonin không có nghĩa là thiếu hụt serotonin là nguyên nhân gây trầm cảm. Để dễ hiểu hơn, hãy tưởng tượng một ví dụ đơn giản: kem steroid có thể điều trị phát ban do cây thường xuân độc, nhưng điều này không có nghĩa là thiếu hụt steroid là nguyên nhân gây ra phát ban.

Chúng ta vẫn còn một chặng đường dài để hiểu rõ hơn về bệnh này. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi, chúng ta đã có những công cụ hiệu quả để điều trị trầm cảm.

Xem đầy đủ nội dung video TẠI ĐÂY.

Đọc thêm:

Nhận bản tin hàng tháng

Chúng tôi sẽ gửi cho bạn thông tin mới nhất để giúp bạn chủ động chăm sóc và quản lý sức khỏe của mình.

Thank you for subscribing to the newsletter.

Oops. Something went wrong. Please try again later.

Biên Tập Viên

Biên Tập Viên

Bình luận

Hãy cho chúng tôi biết ý kiến của bạn

Có Thể Bạn Quan Tâm