Cơ thể chúng ta dựa vào xương và khớp để hỗ trợ, di chuyển khắp mọi nơi cũng như thực hiện nhiều hoạt động khác nhau. Nhưng theo thời gian, tình trạng lão hóa xương khớp sẽ xảy ra khiến chúng ta gặp nhiều khó khăn trong vận động và di chuyển. Vậy khi bị lão hóa xương khớp thường có những dấu hiệu nào?
1. Xương khớp thay đổi hay lão hóa như thế nào theo thời gian?
1.1 Xương khớp thay đổi như thế nào theo thời gian?
Xương được cấu tạo bởi các sợi linh hoạt gọi là collagen và được làm cứng bằng canxi và phốt pho trong một khoáng chất gọi là hydroyappatite. Xương chiếm khoảng 12% đến 15% trọng lượng cơ thể, được xây dựng để chịu được áp lực lớn từ các hoạt động như đi bộ, chạy và nhảy.
Ở trẻ em và thanh thiếu niên, quá trình hình thành xương diễn ra nhanh hơn quá trình mất xương hoặc tiêu xương.
Ở độ tuổi 20, mật độ khoáng chất trong xương thường đạt đỉnh. Khi bạn tiếp tục duy trì lối sống lành mạnh bao gồm bổ sung canxi, vitamin D và tập thể dục đầy đủ, khối lượng xương vẫn được đảm bảo tốt. Ngược lại nếu bạn không tập thể dục, không bổ sung đủ canxi, vitamin A, vitamin K và vitamin D từ thực phẩm bạn ăn, quá trình lão hóa xương sẽ diễn ra nhanh hơn.
Ước tính quá trình mất xương tự nhiên tăng tốc ở tuổi trung niên. Điều này đặc biệt đúng trong thời kỳ mãn kinh của nữ giới. Tuy nhiên, đến tuổi 65 tỷ lệ mất xương cân bằng giữa các giới tính.
1.2 Lão hoá ảnh hưởng tới xương khớp như thế nào?
Quá trình lão hóa xương khớp khiến xương mất canxi và các khoáng chất khác. Tình trạng này xảy ra rõ rệt ở một số vị trí bao gồm:
- Cột sống của cơ thể được tạo thành từ các xương gọi là đốt sống và ở giữa mỗi xương này (trừ xương cùng và xương cụt) có một lớp đệm giống như gel gọi là đĩa đệm giúp giảm tải áp lực lên cột sống. Khi già đi, các đĩa đệm dần mất chất lỏng và trở nên mỏng hơn khiến phần giữa cơ thể hay còn gọi là phần thân trở nên ngắn hơn.
- Đốt sống cũng mất đi một số khoáng chất, khiến mỗi xương mỏng hơn. Cột sống bị cong và nén (đóng chặt lại với nhau). Lão hóa và việc sử dụng cột sống trong thời gian dài nói chung khiến gai xương hình thành trên đốt sống.
- Vòm chân trở nên kém rõ rệt hơn, góp phần làm giảm chiều cao đôi chút.
- Xương cánh tay và xương cẳng chân bị mất khoáng chất trở nên giòn hơn, nhưng chúng không thay đổi chiều dài. Điều này làm cho cánh tay và chân trông dài hơn khi so sánh với thân mình ngắn lại.
- Các khớp trở nên cứng hơn và kém linh hoạt hơn. Chất lỏng trong các khớp có thể giảm. Sụn có thể bắt đầu cọ xát vào nhau và mòn đi. Tình trạng vôi hoá các khớp có thể xảy ra do khoáng chất lắng đọng trong và xung quanh một số khớp. Điều này thường xảy ra xung quanh vai.
- Các khớp hông và đầu gối có thể bắt đầu mất sụn (thay đổi do thoái hóa). Các khớp ngón tay mất sụn và xương dày lên một chút. Các thay đổi ở khớp ngón tay, thường là sưng to và biến dạng phổ biến hơn ở phụ nữ. Đôi khi một số bệnh lý di truyền có thể gây ra tình trạng khiến khớp sưng to.
- Khối lượng cơ nạc giảm. Sự giảm này một phần là do mất mô cơ (teo cơ). Tốc độ và lượng thay đổi cơ dường như là do gen. Sự thay đổi cơ thường bắt đầu ở độ tuổi 20 ở nam giới và ở độ tuổi 40 ở nữ giới. Các sợi cơ co lại. Mô cơ được thay thế chậm hơn. Mô cơ bị mất có thể được thay thế bằng mô xơ cứng. Điều này dễ nhận thấy nhất ở bàn tay, trông có vẻ mỏng và lộ rõ xương.
- Cơ bắp kém săn chắc và ít có khả năng co bóp hơn do những thay đổi trong mô cơ và những thay đổi bình thường trong hệ thần kinh do lão hóa. Cơ bắp có thể trở nên cứng theo tuổi tác và mất đi độ săn chắc, ngay cả khi tập thể dục thường xuyên.

2. Các dấu hiệu lão hóa xương khớp?
Lão hóa xương khớp là tình trạng có thể xảy ra ở bất kỳ người cao tuổi nào. Tuy nhiên mỗi người sẽ có những dấu hiệu và mức độ lão hóa xương khớp khác nhau. Dưới đây là các dấu hiệu lão hóa xương khớp thường gặp:
- Xương trở nên giòn hơn và dễ gãy hơn. Do thân và cột sống ngắn lại khiến chiều cao tổng thể bị giảm đi. Một trong những vấn đề phổ biến khi lão hóa xương khớp đó là tình trạng lão xương, đặc biệt đối với phụ nữ lớn tuổi. Khi xương bị lão hóa có thể gây đau và giảm khả năng vận động.
- Tình trạng viêm, đau, cứng và biến dạng có thể xảy ra do sự phá vỡ các khớp. Những thay đổi về khớp ảnh hưởng đến hầu hết những người lớn tuổi. Những thay đổi này dao động từ tình trạng cứng nhẹ đến viêm khớp nghiêm trọng. Đau nhức các khớp thường xuyên xảy ra, đặc biệt phổ biến ở vùng thắt lưng, vùng cổ gáy và hai gối. Tình trạng viêm, đau các khớp khiến bệnh nhân đi lại vận động khó khăn và có thể gây khó ngủ vì những cơn đau ban đêm.
- Tư thế có thể trở nên khom hơn (gù cột sống). Đầu gối và hông có thể cong hơn. Cổ có thể nghiêng, và vai có thể hẹp lại trong khi xương chậu trở nên rộng hơn.
- Chuyển động chậm lại và thường bị hạn chế. Người cao tuổi thường đi bộ chậm hơn và bước chân của họ ngắn hơn. Đi bộ cũng có thể trở nên không vững và ít vung tay hơn. Người lớn tuổi dễ mệt mỏi hơn và ít năng lượng hơn. Nguy cơ chấn thương tăng lên do thay đổi dáng đi, mất ổn định và mất thăng bằng có thể dẫn đến té ngã.
- Sức mạnh và sức bền thay đổi do mất khối lượng cơ. Yếu cơ góp phần gây ra tình trạng mệt mỏi và giảm khả năng chịu đựng hoạt động
- Một số người lớn tuổi có phản xạ giảm ở khớp. Điều này thường do những thay đổi ở cơ và gân, chứ không phải do những thay đổi ở dây thần kinh. Phản xạ giật gối hoặc giật mắt cá chân có thể giảm.
- Các chuyển động không tự chủ (run cơ và các chuyển động nhỏ gọi là co giật cơ) phổ biến hơn ở người lớn tuổi. Người lớn tuổi không hoạt động có thể bị yếu hoặc cảm giác bất thường. Những người không thể tự di chuyển hoặc không kéo căng cơ khi tập thể dục có thể bị co cứng cơ.
3. Cần làm gì khi có các dấu hiệu lão hóa xương khớp?
Lão hóa xương khớp không những gây nhiều triệu chứng đau nhức khó chịu cho người cao tuổi mà tình trạng này còn ảnh hưởng tới khả năng sinh hoạt, làm việc cũng như chất lượng cuộc sống của họ. Vì vậy, việc cải thiện và phòng ngừa các dấu hiệu lão hóa xương khớp là điều cần thiết.
3.1. Tăng cường sức khỏe xương bằng thực phẩm
Canxi và vitamin D kết hợp với nhau để tăng cường và bảo vệ xương, vì vậy hãy ăn thực phẩm giàu cả hai chất này để xương khỏe mạnh.
Canxi trong chế độ ăn uống được ưa chuộng hơn các chất bổ sung, với lượng khuyến cáo hàng ngày là 1.000 và 1.200 mg. Ở những người khỏe mạnh, lượng vitamin D cần thiết mỗi ngày thay đổi theo độ tuổi.
Chế độ ăn chống viêm, giàu rau, trái cây, cá, các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt, giúp làm chậm quá trình mất xương ở phụ nữ sau mãn kinh.
Thêm trái cây và rau củ có nhiều kali, như chuối, khoai lang, rau bina, và thực phẩm giàu magie như các loại hạt, hạt giống, đậu khô và ngũ cốc nguyên hạt. Nghiên cứu cho thấy cả hai chất dinh dưỡng này đều có liên quan đến mật độ xương tốt hơn.
3.2. Tập thể dục
Tập thể dục có thể ngăn ngừa nhiều thay đổi liên quan đến tuổi tác ở cơ, xương và khớp cũng như đảo ngược những thay đổi này. Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu sống một lối sống năng động và tận hưởng những lợi ích.
Nghiên cứu cho thấy rằng:
- Tập thể dục có thể giúp xương chắc khỏe hơn và làm chậm quá trình mất xương.
- Thông qua các hoạt động tăng cường cơ bắp, người lớn tuổi có thể tăng khối lượng cơ và sức mạnh.
- Nguy cơ té ngã của người cao tuổi có thể giảm đi khi thường xuyên luyện tập các bài tập thăng bằng và phối hợp, chẳng hạn như thái cực quyền.
- Hoạt động thể chất ở tuổi già có thể làm chậm quá trình tiến triển của bệnh loãng xương vì nó làm chậm tốc độ giảm mật độ khoáng chất của xương.
- Bài tập chịu trọng lượng, chẳng hạn như đi bộ hoặc tập tạ, là loại bài tập tốt nhất để duy trì khối lượng xương. Các động tác xoắn hoặc xoay vùng các khớp như cổ tay cổ chân cũng đem lại nhiều lợi ích.
- Người lớn tuổi tập thể dục dưới nước (không chịu sức nặng) vẫn có thể tăng khối lượng xương và cơ so với người lớn tuổi ít vận động.
- Kéo giãn là một cách tuyệt vời khác giúp duy trì sự linh hoạt của khớp.

3.3. Tránh hút thuốc
Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ loãng xương do giảm quá trình tái tạo xương. Điều nảy làm tăng nguy cơ gãy xương của bạn lên nhiều lần. Vì vậy, hãy bỏ thuốc lá ngay từ bây giờ hoặc tránh xa thuốc lá nếu bạn chưa từng hút thuốc.
3.4. Kiểm tra mật độ xương (DXA)
Xét nghiệm mật độ xương DXA là xét nghiệm hình ảnh đo mật độ xương của bạn. Nữ giới nên làm xét nghiệm DXA bắt đầu từ 65 tuổi, trong khi nam nên làm xét nghiệm này bắt đầu từ 70 tuổi. Tuy nhiên, nếu bạn có các yếu tố nguy cơ lâm sàng về mất xương hoặc gãy xương, bạn có thể cần làm DXA sớm hơn. Các yếu tố nguy cơ đó bao gồm:
- Tiền sử gia đình có người bị loãng xương.
- Trọng lượng cơ thể thấp.
- Từng gãy xương trước đây.
3.5. Uống thuốc nếu cần
Nếu bạn bị loãng xương hoặc giảm mật độ xương, một số loại thuốc có thể làm chậm quá trình mất xương. Và nếu bạn có nguy cơ cao mắc các tình trạng đó, thuốc là rất quan trọng. Chúng được chia thành hai loại: thuốc chống tiêu xương giúp ngăn cơ thể tái hấp thu mô xương và thuốc đồng hóa giúp xây dựng xương ở những người bị loãng xương.
3.6. Chăm sóc các vấn đề sức khỏe khác
Một số bệnh lý như rối loạn tuyến giáp, rối loạn tuyến cận giáp, mãn kinh sớm hoặc một số tình trạng sức khỏe khác có thể ảnh hưởng đến mật độ xương cũng như sức khỏe xương khớp. Vì vậy, hãy điều trị tích cực các bệnh lý và cải thiện một số tình trạng sức khỏe để phòng ngừa lão hóa xương khớp.
Nguồn: https://health.clevelandclinic.org/how-do-your-bones-change-over-time
Lão hóa xương khớp mà một tình trạng phổ biến, gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống cũng như tinh thần của người cao tuổi. Vì vậy, việc phát hiện sớm các dấu hiệu lão hóa xương khớp và phòng ngừa lão hóa xương khớp là điều cần thiết. Lão hóa là một quá trình dài, thế nên hãy chủ động chăm sóc sức khỏe từ sớm để sống khỏe, trẻ lâu và trường thọ.
Nguồn: medlineplus.gov – health.clevelandclinic.org
Nhận bản tin hàng tháng
Chúng tôi sẽ gửi cho bạn thông tin mới nhất để giúp bạn chủ động chăm sóc và quản lý sức khỏe của mình.
Thank you for subscribing to the newsletter.
Oops. Something went wrong. Please try again later.
